Vay ngang hàng (Peer-to-Peer Lending hay P2P Lending) là một trong những phát minh nổi bật nhất trong xu hướng công nghệ tài chính (Fintech) 4.0 toàn cầu. Dù chỉ mới xuất hiện trong vài năm gần đây song mô hình cho vay ngang hàng đã trở thành kênh dẫn vốn yêu thích của rất nhiều nhà đầu tư. P2P Lending sử dụng sự phát triển của công nghệ và internet để cung cấp giải pháp tài chính trực tuyến, giúp người vay hoặc cho vay có thể tiếp cận nhanh chóng với quy trình đơn giản, lãi suất hấp dẫn.
Vậy mô hình vay ngang hàng là gì? Hãy cùng Đầu tư bất động sản tìm hiểu nhé!
Tìm hiểu về vay ngang hàng
Vay ngang hàng (P2P Lending) là gì? Vay ngang hàng là quá trình người vay và người cho vay kết nối trực tiếp với nhau thông qua một nền tảng trực tuyến, loại bỏ sự cần thiết của các trung gian tài chính truyền thống như ngân hàng. Điều này không chỉ hỗ trợ việc cho vay tiêu dùng và cho vay doanh nghiệp mà còn mở ra một kênh tiếp cận vốn mới cho những khách hàng không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, đồng thời giúp giảm bớt tình trạng vay tín dụng đen.
Vai trò của các bên trong một giao dịch P2P Lending:
Trang web cho vay P2P: Đây là nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người vay với người cho vay (hoặc nhà đầu tư). Được quản lýbởi công ty cung cấp dịch vụ P2P Lending, nền tảng này có nhiệm vụ tìm kiếm, đánh giá và thẩm định hồ sơ vay. Công ty cũng đảm bảo thu hồi khoản vay khi đến hạn, đảm bảo lãi suất và gốc cho nhà đầu tư.
Người đi vay: Là những cá nhân hoặc tổ chức tìm kiếm giải pháp vay vốn thay thế các phương thức vay truyền thống. Họ có thể gặp khó khăn với các thủ tục hành chính hoặc muốn hưởng mức lãi suất ưu đãi hơn so với các khoản vay từ ngân hàng.
Người cho vay: Là những nhà đầu tư cá nhân muốn kiếm lợi nhuận từ số tiền nhàn rỗi của mình và mong đợi có được lợi suất cao hơn so với việc gửi tiền tiết kiệm ngân hàng đồng thời bền vững hơn các kênh đầu tư khác.
Cách thức hoạt động
Với mô hình P2P Lending, người vay và người cho vay được kết nối trực tiếp qua các website cung cấp dịch vụ. Điều khoản và điều kiện được công khai rõ ràng, trong đó mức lãi suất cho vay ngang hàng đặt ra sẽ dựa trên mức độ uy tín từ hồ sơ của người đi vay.
Quy trình vay và cho vay qua mô hình P2P Lending
- Bước 1: Mở tài khoản
Nhà đầu tư mở tài khoản đầu tư trên trang web của nền tảng P2P Lending và nạp tiền vào tài khoản. Đây là bước đầu tiên để nhà đầu tư có thể bắt đầu quá trình cho vay.
Đồng thời, người vay cũng mở tài khoản trên cùng nền tảng, đăng ký hồ sơ tài chính và chờ phê duyệt từ hệ thống.
- Bước 2: Thẩm định và phê duyệt hồ sơ
Sau khi nhận hồ sơ từ cả nhà đầu tư và người vay, nền tảng P2P Lending sử dụng công nghệ và thuật toán để thẩm định và chấm điểm hồ sơ vay. Quá trình này giúp đánh giá khả năng tín dụng của người vay và độ tin cậy của nhà đầu tư, đảm bảo rằng tất cả các bên đều phù hợp với yêu cầu của nền tảng.
- Bước 3: Lựa chọn khoản vay và đối tác
Sau khi hồ sơ vay được phê duyệt, người vay có thể yêu cầu khoản vay theo nhu cầu. Họ có thể chọn vay toàn bộ khoản vay từ một nhà đầu tư hoặc chia nhỏ khoản vay để nhận tiền từ nhiều nhà đầu tư khác nhau. Ngược lại, nhà đầu tư có thể chọn các hồ sơ vay phù hợp với tiêu chí của họ, phân bổ nguồn tiền của mình cho nhiều người vay để giảm thiểu rủi ro.
- Bước 4: Giải ngân và trả nợ
Sau khi hoàn tất việc phân bổ vốn, người vay nhận được khoản vay từ các nhà đầu tư và sẽ thực hiện các khoản thanh toán định kỳ, bao gồm cả lãi suất và gốc, cho nhà đầu tư dựa trên hợp đồng. Tất cả các giao dịch thanh toán và quản lý khoản vay đều được thực hiện qua nền tảng trực tuyến, giúp việc theo dõi và quản lý trở nên đơn giản và tiện lợi hơn.
Các loại phí phát sinh khi vay ngang hàng
Nền tảng P2P Lending có thể tính phí từ cả người vay và người cho vay với các loại phí phổ biến như phí giao dịch, phí dịch vụ, và phí khởi tạo tài khoản,… Do đó, trước khi đăng ký, người vay và nhà đầu tư nên đọc kỹ Điều khoản và Điều kiện của nền tảng để hiểu rõ về các khoản phí và chi phí liên quan.
P2P Lending liệu có an toàn
Mặc dù P2P Lending có thể mang lại lợi suất hấp dẫn, từ 15-20%/năm, cao hơn so với lãi suất ngân hàng truyền thống, nhưng an toàn của mô hình này phụ thuộc vào sự lựa chọn nền tảng và việc kiểm tra độ tin cậy của các đối tác. Do đó khi chọn được nền tảng uy tín và kiểm soát rủi ro tốt, vay ngang hàng có thể trở thành một hình thức đầu tư bền vững và an toàn.
Lợi ích của hình thức cho vay ngang hàng
Đối với người đi vay:
- Lãi suất thấp: Vay ngang hàng cung cấp mức lãi suất vay từ 1,5%-2%/tháng, thấp hơn nhiều so với các khoản vay truyền thống từ ngân hàng.
- Gói vay linh hoạt: Các gói vay của vay ngang hàng rất đa dạng, bao gồm vay ngắn hạn, dài hạn, trả góp, vay theo lương, đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của người vay.
- Thủ tục đơn giản: Không yêu cầu thế chấp giấy tờ hoặc các thủ tục hành chính phức tạp, giúp người vay dễ dàng tiếp cận vốn.
- Quản lý dễ dàng: Nền tảng vay ngang hàng cho phép quản lý các khoản vay và thanh toán trực tuyến, giúp người vay có thể thực hiện giao dịch mọi lúc, mọi nơi.
- Giải ngân nhanh chóng: Thời gian giải ngân khoản vay nhanh chóng, chỉ từ 24-48 giờ sau khi hồ sơ được phê duyệt.
Đối với nhà đầu tư:
- Giao dịch trực tuyến: Nền tảng vay ngang hàng giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời công nghệ giúp đánh giá chất lượng hồ sơ vay, giảm thiểu rủi ro.
- Lãi suất hấp dẫn: Với mức lãi suất từ 15-20%/năm, nhà đầu tư có thể thu được lợi nhuận cao hơn so với gửi tiền vào ngân hàng hoặc các kênh đầu tư truyền thống.
- Thủ tục đơn giản: Quy trình đầu tư và cho vay vốn nhanh chóng và đơn giản nhờ vào công nghệ, không cần phải nghiên cứu thị trường phức tạp hoặc xử lý giấy tờ pháp lý phức tạp.
- Vốn đầu tư nhỏ: Nhà đầu tư có thể bắt đầu với số vốn nhỏ, từ 1 triệu đồng, làm cho hình thức đầu tư này trở nên dễ tiếp cận với nhiều người.
Rủi ro của mô hình P2P Lending
Sự phát triển nhanh chóng của vay ngang hàng cũng kéo theo một số rủi ro và thách thức đáng lưu ý:
- Hành lang pháp lý chưa đầy đủ: Ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, hành lang pháp lý cho vay ngang hàng còn thiếu hoặc chưa đầy đủ. Điều này có thể dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết các tranh chấp và rủi ro pháp lý khi có sự cố xảy ra.
- Rủi ro từ bên vay: Người vay có thể không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản vay đúng hạn, gây ra tổn thất cho nhà đầu tư.
- Trách nhiệm hạn chế: Trách nhiệm giữa nền tảng P2P Lending và nhà đầu tư thường không rõ ràng, khiến việc giải quyết tranh chấp hoặc khiếu nại trở nên phức tạp hơn.
- Biến tướng: Có nguy cơ xuất hiện các công ty lừa đảo hoặc tín dụng đen lợi dụng hình thức vay ngang hàng để thực hiện hành vi phi pháp, gây tổn hại cho các nhà đầu tư và người vay chân chính.
Tìm hiểu thêm về: Toàn cảnh hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam
Lời kết
Mặc dù mô hình P2P Lending có nhiều lợi ích và tiềm năng phát triển, nhưng cũng tồn tại những rủi ro cần phải cân nhắc. Chính phủ đang có những nỗ lực để phát triển hành lang pháp lý cho các công ty Fintech, bao gồm cả P2P Lending, nhằm bảo vệ các bên tham gia và nâng cao sự tin cậy của mô hình này. Trong tương lai, với sự phát triển của công nghệ và cải thiện môi trường pháp lý, vay ngang hàng được dự đoán sẽ trở thành một xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số.
1 bình luận
51wjns